RỐI LOẠN LO ÂU

Rối loạn lo âu là một nhóm các rối loạn tâm thần với hai đặc trưng nổi bật giúp phân biệt chúng với các rối loạn khác, đó là: sợ hãi và lo âu.

1. Khái niệm lo âu

  • Lo âu là hiện tượng phản ứng tự nhiên (bình thường) của con người trước những khó khăn và các mối đe doạ của tự nhiên, xã hội mà con người phải tìm cách vượt qua, tồn tại, vươn tới. 
  • Lo âu là một tín hiệu báo động, báo trước một nguy hiểm sắp xảy đến, cho phép con người sử dụng mọi biện pháp để đương đầu với sự đe doạ. 

2. Lo âu thông thường

Tất cả chúng ta đều trải qua trạng thái  lo âu. Nó đặc trưng bởi tâm trạng bất an, lo sợ mơ hồ. Kèm theo đó là tăng các hoạt động tự động như: vã mồ hôi, đau đầu, nặng trong ngực, bồn chồn khó chịu trong bụng dẫn đến đứng ngồi không yên.

Lo âu  thông  thường là những tín hiệu cảnh báo cho chúng ta về những điều nguy hiểm, bất hạnh hay ít nhất là những khó khăn có thể đến với mỗi chúng ta. Nó đồng nghĩa với việc chúng ta cần có những  chuẩn bị nhất định nào đó để ứng phó.

3. Khái niệm lo âu bệnh lý

Lo âu bệnh lý là lo âu quá mức hoặc dai dẳng không tương xứng với sự đe doạ được cảm thấy, ảnh hưởng đến hoạt động của người bệnh, có thể kèm theo những ý nghĩ hay hành động có vẻ như quá mức hay vô lý.

4. Các triệu chứng của rối loạn lo âu

Các triệu chứng của lo âu nhìn chung là thuộc hai nhóm chính:

  • Cảm giác lo lắng hay cảm thấy bị đe dọa mơ hồ, dai dẳng.
  • Các cảm giác của rối loạn hoạt động tự động (thần kinh thực vật)

Các triệu chứng biểu hiện bên ngoài của các rối loạn lo âu bao gồm:

  • Chóng mặt, choáng váng
  • Tăng tiết mồ hôi
  • Có thể có giãn đồng tử
  • Không tự thư giãn được
  • Nhịp tim nhanh
  • Đau nhói vùng đầu chi
  • Khó chịu vùng thượng vị
  • Tiêu chảy
  • Cao huyết áp
  • Hồi hộp
  • Có thể bị ngất
  • Run
  • Tiểu rắt

Những biểu hiện cơ thể:

  • Hô hấp: Khó thở đa dạng như nghẹt thở, ho, nấc, ngáp rối loạn phát âm hoặc mất tiếng. 
  • Tim mạch: Đánh trống ngực, mạch nhanh, rối loạn nhịp, đau vùng trước tim được mô tả như nóng bỏng, phồng lên, đau nhói hoặc bóp chặt lại, lan truyền đa dạng, đau thắt ngực, cơn co thắt mạch hoặc xung huyết (khi thì ở khắp nơi trong cơ thể, khi thì khu trú trú ở mặt, chi và ngón tay) thường kèm theo với rối loạn cảm giác. 
  • Tiêu hoá: Co thắt thanh quản, thực quản, co thắt dạ dày và ruột kèm đau nhói hoặc co thắt, nôn, buồn nôn, ỉa chảy, mót dặn, ứa nước bọt hoặc khô miệng… 
  • Tiết niệu: Đái dắt, đái nhiều… 
  • Thần kinh-Cơ: run, rung mặt, đặc biệt rung mí mắt và cơn đau giả thấp khớp. 
  • Cảm giác, giác quan và da: Tăng và loạn cảm giác, cơn ngứa, sởn da gà, tiết nhiều mồ hôi, đau nhói, nghe kém, nhìn mờ, đau đầu, chóng mặt, sợ chỗ rộng, đôi khi có triệu chứng không đứng không đi.

Các triệu chứng tâm thần

Nhiều tác giả phân biệt sợ với lo âu và chỉ ra mối liên quan giữa lo âu và chóng mặt. 3 thành phần cơ bản của trạng thái cảm xúc này:

  • Cảm giác bi quan không thực tế, đối với chủ thể điều này đến như là từ bi kịch nội tâm, xung đột vô thức. 
  • Chờ đợi sự nguy hiểm: Lo lắng, lúng túng, nghi ngờ, lo sợ về quá khứ (sự luyến tiếc, ân hận), về hiện tại (nghi ngờ), về tương lai (đe doạ, linh cảm).
  • Hoảng loạn. 

5. Ảnh hưởng của lo âu

  • Chức năng nghề nghiệp và xã hội
  • Rối loạn giấc ngủ, suy nhược cơ thể.
  • Các hoạt động tâm thần như tư duy, nhận thức, học tập cũng giảm sút nhiều.
  • Nhận thức cuả bệnh nhân có thể bị méo mó.  Lo âu, đặc biệt là lo âu lan tỏa hay rối loạn hoảng sợ, bệnh nhân có thể có tri giác sai thực tại.
  • Hoạt động tư duy bị giảm sút rõ ràng. Cụ thể là bệnh nhân khó tập trung, liên tưởng kém và đặc biệt là hay quên do khó truy cập lại các thông tin được lưu trữ.
  • Lo âu giống như vòng luẩn quẩn. Bệnh nhân thường chỉ tập trung vào một số đồ vật hay sự kiện cụ thể nào đó. Liên tưởng chúng với những mối đe dọa có thể xảy đến. Khi không chắc chắn về điều này thì bệnh nhân lại tăng lo âu và tìm cách lý giải ở sự vật hay hiện tượng khác.

6. Phân biệt lo âu bệnh lý và lo âu bình thường

6.1 Bệnh lý

  • Chủ đề: Không có chủ đề rõ ràng mang tính chất vô lý, mơ hồ (lo lắng về tương lai…). 
  • Thời gian: Kéo dài lặp đi lặp lại. 
  • Triệu chứng: Nhiều rối loạn thần kinh thực vật (mạch nhanh, thở gấp, chóng mặt, khô miệng, vã mồ hôi, lạnh chân tay, run rẩy, bất an…)

6.2 Bình thường: 

  • Chủ đề: Lo lắng có chủ đề, nội dung rõ ràng như ốm đau, công ăn việc làm… 
  • Thời gian: Nhất thời khi có các sự kiện trong đời sống tác động đến tâm lý của chủ thể. Hết lo âu khi mất các tác động này. 
  • Triệu chứng: Không có hoặc có rất ít rối loạn thần kinh thực vật.

7. Các loại rối loạn lo âu

Theo DSM –IV (Hiệp hội tâm thần Mỹ, 1994), rối loạn lo âu bao gồm: rối loạn lo âu chia ly, ám ảnh sợ đặc hiệu, rối loạn lo âu lan tỏa, cơn hoảng sợ, ám ảnh sợ xã hội, rối loạn ám ảnh nghi thức, rối loạn stress sau sang chấn…

Trong đó rối loạn lo âu chia ly chỉ gặp ở trẻ em, còn các rối loạn khác có ở cả trẻ em và người lớn.

Rối loạn lo âu chia ly:

Các tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn lo âu chia ly:

  • Lo lắng quá mức không phù hợp khi tách khỏi người gắn bó. Có ít nhất 3 dấu hiệu:
    • Khó chịu quá mức, lặp lại nhiều lần khhi tách khỏi người gắn bó.
    • Lo lắng quá mức và kéo dài về việc người gắn bó có thể bị chết, bị hại..
    • Lo lắng quá mức và kéo dài về bản thân: có thể bản thân bị chết, bị tai nạn nếu tách khỏi người gắn bó.
    • Miễn cưỡng hoặc từ chối đi học vì sợ phải chia tách với người gắn bó.
    • Miễn cưỡng hoặc sợ hãi quá mức khi ở nhà một mình.
    • Miễn cưỡng hoặc từ chối  đi ngủ nếu không có người gắn bó.
    • Cơn ác mộng thường liên quan đến chia ly.
    • Luôn kêu ca phàn nàn về các triệu chứng đau đầu, đau dạ dày, nôn mửa… khi phải chia tách với người gắn bó.
  • Các dấu hiệu này kéo dài ít nhất trên 4 tuần và ảnh hưởng đến một số sinh hoạt thường ngày của người bệnh.
  • Chỉ chẩn đoán ở trẻ em trước 18 tuổi, trừ các biểu hiện lo sợ ở rối loạn lo âu khác hoặc tâm thần phân liệt hay loạn thần.

Rối loạn lo âu lan tỏa:

Rối loạn lo âu lan tỏa được chẩn đoán với các tiêu chí:

  • Người bệnh lo lắng quá mức về một số sự kiện hoặc hoạt động xảy ra hàng ngày, kéo dài ít nhất 6 tháng.
  • Người bệnh khó kiểm soát được sự lo lắng của mình.
  • Lo lắng ít nhất 3 trong 6 triệu chứng (ở trẻ em chỉ có một triệ chứng).
    • Kích thích, dễ bực mình, đầu óc căng thẳng.
    • Dễ mệt mỏi.
    • Khó tập trung hoặc đầu óc trống rỗng.
    • Dễ cáu kỉnh.
    • Căng thẳng cơ bắp.
    • Rối loạn giấc ngủ.

Rối loạn hoảng sợ:

Một giai đoạn sợ hãi hay mệt mỏi trầm trọng có giới hạn về thời gian rõ rệt và trong giai đoạn đó có ít nhất 4 trong số các triệu chứng sau đã xuất hiện một cách đột ngột và lên đến cực điểm trong vòng 10 phút:

  • Tim đập nhanh mạnh, nhịp đập gấp.
  • Vã mồ hôi
  • Run rẩy
  • Cảm thấy hơi thở ngắn và ngột ngạt
  • Cảm thấy nghẹt thở
  • Cảm thấy đau hoặc tức ngực
  • Bồn chồn hoặc cồn cào trong bụng.
  • Cảm thấy chóng mặt, đứng không vững, choáng váng hoặc đầu nhẹ bẫng.
  • Cảm thấy đối tượng không thực hoặc bị tách khỏi bản thân.
  • Sợ mất kiểm soát hoặc sợ bị điên.
  • Sợ chết

Ám ảnh sợ đặc hiệu:

Ám ảnh sợ đặc hiệu được chẩn đoán với các tiêu chí:

  • Sự sợ hãi vô lý, quá mức và kéo dài trước một tình huống hoặc một đối tượng cụ thể (ví dụ: sợ động vật, sợ máu, sợ sấm chớp…)
  • Lo âu thể hiện một cách giống nhau và trực tiếp với các tình huống gây sợ (trẻ em thường bộc lộ bằng khóc, cơn xung động, chai lì…)
  • Bệnh nhân thấy sự lo sợ là quá mức và vô lý và tìm cách né tránh các tình huống sợ.

Việc né tránh các tình huống sợ hoặc rối nhiễu do sự gây cản trở một số hoạt động hằng ngày của chủ thể.

Phân biệt với lo âu trong các tình huống rối nhiễu tâm cản khác: ám sợ khoảng trống, chán ăn tâm thần, ám ảnh nghi bệnh…

Rối loạn ám ảnh cưỡng bức:

Có thể chỉ có ám ảnh hoặc có cưỡng bức hoặc có cả hai.

Ám ảnh được đặc trưng bởi 4 dấu hiệu:

  • Những ý nghĩ, hình ảnh, đã gây ra khó chịu trước đây sẽ thâm nhập vào chủ thể sẽ lặp đi lặp lại và kéo dài gây ra sự lo lắng và khó chịu quá mức (ví dụ: sợ bẩn, sợ lây bệnh, hình ảnh quái vật…)
  • Những ý nghĩ, hình ảnh mà chủ thể lo lắng quá mức không phải đơn giản là các sự kiện của đời sống.
  • Chủ thể phải cố gắng lờ đi hoặc kìm nén những ý nghĩ, hình ảnh hoặc làm dịu đi bằng những ý nghĩ và hành động khác.
  • Chủ thể nhận biết hình ảnh, ý nghĩ ám ảnh tạo ra từ chính trong đầu mình chứ không phải từ bên ngoài ép vào.

Cưỡng bức được đặc trưng bởi 2 dấu hiêu sau:

  • Hành vi hoặc hành động lặp đi lặp lại (ví dụ: rửa tay, kiểm tra khóa cửa, sắp xếp đồ vật theo một trật tự, đếm…) như để bắt buộc để đáp ứng với ám ảnh hoặc phải tuân theo một quy luật chặt chẽ.
  • Những hành vi này làm giảm hoặc ngăn cản sự khó chịu hoặc tình huống, sự vật do sợ gây ra.

Có những lúc chủ thể nhận ra sự ám ảnh và cưỡng bức là vô lý và quá mức.

Loại trừ rối nhiễu xảy ra ở một số rối nhiễu tâm can khác như rối nhiễu ăn uống, ám ảnh nghi bệnh, ảm ảnh trực tiếp của các chất tác động tâm thần, bệnh lý thực thể, các bệnh tâm thần thực tổn và nội sinh.

Ám ảnh sợ xã hội:

Ám ảnh sợ xã hội được chẩn đoán với các tiêu chuẩn:

  • Sợ hãi rõ rệt và kéo dài ít nhất 6 tháng một và nhiều tình huống xã hội như phải giao tiếp với người lạ hoặc bị phán xét bởi người khác (chủ thể lo sợ mình sẽ hành động lúng túng, ngượng ngùng hoặc bộc lộ lo âu trước mặt người khác).
  • Lo âu thể hiện hầu như giống nhau trong các tình huống xã hội (ở trẻ em lo âu được thể hiện bằng khóc, cơn xung động, chai lỳ hoặc thu mình…)
  • Chủ thể nhận ra sự sợ hãi quá mức và vô lý (trẻ em có thể không có đặc điểm này) và luôn né tránh các tình huống xã hội hoặc cố chịu đựng với sự lo lắng và khó chịu cao độ. Điều này làm cản trở một số hoạt động thường ngày của chủ thể.
  • Sợ hãi hoặc né tránh không phải do ảnh hưởng trực tiếp của các chất tác động tâm thần, bệnh lý thực thể, rối loạn tâm thần thực tổn hoặc nội sinh.

Rối loạn stress sau sang chấn

Rối loạn stress sau sang chấn được chẩn đoán với các tiêu chuẩn sau:

  • Chủ thể sợ hãi quá mức khi đã trải nghiệm, chứng kiến hoặc đương đầu với mộ hoặc nhiều sự kiện đe dọa đến tính mạng, gây tổn thương nghiêm trọng đến bản thân hoặc người khác (ở trẻ có thể bộc lộ bằng những hành vi rối loạn hoặc kích động).
  • Chủ thể luôn tái hiện lại sự kiện gây sang chấn bằng nhớ lại, mơ thấy hoặc diễn lại và điều này gây ra sự sợ hãi tương tự như lúc trải nghiệm.
  • Chủ thể luôn né tránh các kích thích gây sang chấn hoặc có sự tê liệt về mặt cảm xúc nói chung (ví dụ: sững sờ, né tránh tiếp xúc, thu mình…)
  • Có ít nhất 2 biểu hiện sau đây xuất hiện một cách dai dẳng kéo dài trên một tháng sau khi xảy ra sang chấn: khó ngủ, cảu kỉnh hoặc cơn giận dữ bùng nổ, khó tập trung, tăng sự cảnh giới, đáp ứng giật mình quá mức.

8. Điều trị

Luôn cần phối hợp giữa trị liệu tâm lý và liệu pháp hoá dược.

Trị liệu tâm lý: 

  • Liệu pháp nhận thức
  • Liệu pháp hành vi
  • Liệu pháp thư giãn
  • Liệu pháp gia đình

Điều trị an dịu: 

  • Thuốc an dịu hỗ trợ cho trị liệu tâm lý. 
  • Thuốc bình thản được ưu tiên sử dụng.
  • Cần cho bệnh nhân lo âu nặng nhập viện, liệu pháp gây ngủ ngắn (3-5 ngày) có thể được áp dụng. Điều này có tác dụng cả về thể chất lẫn tâm lý. 
  • Điều trị thư giãn mang lại hiệu quả tốt.