RỐI LOẠN THƯỜNG GẶP Ở TRẺ EM

Trẻ trong giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi có rất nhiều rối loạn, thường gặp là: Rối loạn tâm thế (từ chối ăn, mất ngủ, sút cân), rối loạn ngôn ngữ (nói chậm hơn các trẻ cùng lứa, không phát âm được tuy đã 18-24 tháng, nói không đúng ngữ cảnh, …), rối loạn co cơ thắt (đến 4 tuổi chưa kiểm soát được việc đi vệ sinh: đái dầm, ỉa đùn), rối loạn hành vi (thường gặp tuổi lên ba: chống đối, lì lợm, ích kỷ)

1. Rối loạn tâm thế (0 – 3 tuổi)

Biểu hiện:

Rối loạn này chủ yếu xuất hiện ở trẻ 0 – 1 tuổi. Trẻ bỏ ăn, bỏ bú hoặc biếng ăn, không ngủ đúng thời gian, ngủ không sâu, hay giật mình…

Hướng giải quyết cho cha mẹ: 

  • Nhận thức: Thỏa mãn nhu cầu gắn bó với ba mẹ con cho trẻ. Trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi, sự gắn bó giữa ba mẹ và con cái rất cần thiết đặc biệt là người mẹ. Sự gắn bó tạo cho trẻ cảm giác an toàn cần thiết sau khoảng thời gian dài được bảo vệ trong bụng mẹ, để trẻ từ từ thích nghi với các kích thích ở môi trường xung quanh. Ngoài ra để trẻ chủ động với các kích thích bên ngoài, không cảm thấy hoảng sợ với các kích thích mới, cha mẹ nên nói chuyện cho trẻ nghe mặc dù trong giai đoạn này trẻ chưa thể nói được.
  • Hành vi: Massage cho trẻ để trẻ để đi vào giấc ngủ và ngủ được sâu. Các bài tập massage cho trẻ tạo cảm giác thư giãn, gắn bó, lưu thông máu. Trẻ con trong giai đoạn này chủ yếu ăn ngủ, rất ít vận động vậy cha mẹ dành một ít thời gian massage cho trẻ là việc hết sức cần thiết.

2. Rối loạn ngôn ngữ (1- 3 tuổi)

Biểu hiện:

Trẻ chậm nói hơn so với các bạn cùng lứa (song nhiều trường hợp thực tế các những trẻ chậm nói vẫn phát triển bình thường). Nói không đúng với ngữ cảnh, lặp lại những câu nói vô nghĩa. Trẻ đến 24 tháng vẫn không nói được.

Hướng giải quyết cho cha mẹ: 

  • Nhận thức: Đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra các cơ quan phát âm, các giác quan của trẻ.

  • Cảm xúc: Nôn nóng, tức giận sẽ không giúp ích được trẻ trong phát triển ngôn ngữ. Trẻ đã nói chậm mà còn thúc dục, ra lệnh, cáu gắt là trẻ lại thu mình hơn.

  • Hành vi: Cha mẹ dạy trẻ nói chậm, từng từ. Có khen thưởng để tạo động lực cho trẻ tiếp tục phát huy. Sửa các từ không đúng ngữ cảnh, tiếp xúc với các mối quan hệ là cơ sở để trẻ tự chỉnh sửa và phát triển ngôn ngữ nhanh nhất.

3. Rối loạn co cơ thắt ( 3 – 6 tuổi)

Biểu hiện:

Trẻ chưa kiểm soát được việc đi vệ sinh của mình dù đã bước sang 4 tuổi. Đái dầm, ỉa đùn lại sau một giờ gian đã kiểm soát được việc đi vệ sinh trước đó. Đái dầm, ỉa đùn này chứng tỏ trẻ đang “thoái lùi” bởi gặp khó khăn về mặt cảm xúc, nhất là đái dầm ban ngày.

Hướng giải quyết cho cha mẹ: 

  • Nhận thức: Chú ý đến các mối quan hệ xung quanh trẻ xem đâu là khó khăn trong tâm lý trẻ đang gặp phải.

  • Cảm xúc: Tức giận, quát mắng khi phát hiện trẻ rối loạn cơ thắt làm trẻ hoảng loạn hơn. Bạn có biết rằng vì quá lo sợ, khó khăn trong tâm lý không nói được nên trẻ bị rối loạn co thắt cơ hay không? Chính sự tức giận, quát mắng làm cho trẻ càng ngày càng thu mình

  • Hành vi: Không bắt trẻ phải luyện tập đi vệ sinh quá sớm. Chỉ luyện tập khả năng này cho trẻ khi trẻ được khoảng 18 tháng tuổi. Tìm nguyên nhân để gỡ rối tâm lý cho trẻ mới là biện pháp hữu hiệu

4. Rối loạn hành vi ( 3- 6 tuổi)

Biểu hiện:

Sự khủng hoảng của tuổi lên ba làm người lớn gặp nhiều khó khăn trong quan hệ với trẻ. Là giai đoạn hình thành sự tự ý thức, trẻ nhận ra khả năng của mình từ đó nảy sinh tính độc lập của trẻ. Trẻ muốn trở thành người lớn, tự làm mọi việc như người lớn trong khi với người lớn trẻ còn quá nhỏ để độc lập, môi trường xung quanh trẻ ẩn chứa nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Chính mâu thuẫn này trong mắt người lớn trẻ trở nên lì lợm, bướng bỉnh, không nghe lời. Sự khủng hoảng này kéo dài và cha mẹ không biết cách ứng phó sẽ ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ sau này.

Hướng giải quyết cho cha mẹ: 

  • Nhận thức: Xem biểu hiện của khoảng hoảng tuổi lên ba là quy luật tất yếu của sự phát triển tâm lý. Để trẻ tự lập trong làm một số việc không nguy hiểm, còn những trường hợp nguy hiểm thì thay thế bằng trò chơi đóng vai tương ứng.

  • Cảm xúc: Bình tĩnh trước sự bướng bỉnh của trẻ, nghiêm khắc khi xử phạt

  • Hành vi: Để trẻ thay đổi hành vi người lớn nên dùng tình cảm để dụ dỗ, đôi lúc cũng phải nghiêm khắc nhưng không đánh mắng thô bạo.

5. Rối loạn phát triển ở trẻ ( 6 đến 11 tuổi)

a. Rối loạn tâm thể

Biểu hiện:

Chứng mộng du, chứng đái dầm (đầu tuổi vị thành niên)

Hướng giải quyết cho cha mẹ: 

  • Nhận thức: Mất ngủ, thường xuyên mộng du hay đái dầm đều liên quan đến khó khăn tâm lý mà trẻ đang gặp phải. Việc tìm hiểu rõ nguyên nhân để giúp trẻ trị liệu càng sớm càng tốt.

b. Rối loạn ngôn ngữ

Biểu hiện:

Chứng loạn đọc, loạn viết.

Hướng giải quyết cho cha mẹ: 

  • Nhận thức: rối loạn ngôn ngữ ảnh hưởng lớn đến kết quả học tập và giao tiếp của trẻ, rối loạn ngôn ngữ là triệu chứng mở đầu cho các vấn đề tâm thần của trẻ trong giai đoạn này.

  • Cảm xúc: Kiên trì, nhẫn nại trong việc giáo dục trẻ

  • Hành vi: Luyện tập tích cực, khen thưởng, khuyến khích khi trẻ điều chỉnh được rối loạn này. Tạo cho trẻ môi trường an toàn, thoải mái va tin tưởng

c. Rối loạn hành vi

Ở giai đoạn phát triển này, bạn bè đóng một phần rất quan trọng trong mối quan hệ xung quanh trẻ. Trẻ rất coi trọng nhóm bạn mà mình gia nhập vào bất kể là nhóm trẻ tích cực hay tiêu cực. Bởi vậy, hành vi của bạn bè cũng ảnh hưởng rất nhiều đến trẻ.

Biểu hiện:

Ăn cắp, bỏ nhà đi theo bạn bè, thường xuyên nói dối

Hướng giải quyết cho cha mẹ: 

  • Nhận thức: Cha mẹ hiểu rằng hành vi của trẻ là không phù hợp, không bao che, dung túng để trở dần trở thành hành vi lệch lạc khó uốn nắn.

  • Cảm xúc: Bình tĩnh, kiểm soát sự tức giận,nói chuyện nghiêm khắc với trẻ tìm ra nguyên nhân gốc rễ dẫn đến việc trẻ thực hiện các hành vi sai lệch

  • Hành vi: Đưa ra các hình phạt ngay từ lần đầu phát hiện ra hành vi sai lệch của trẻ, nghiêm khắc, kiểm soát trẻ. Quan tâm khen thưởng những việc tốt mà trẻ làm, nêu gương nhắc nhở.