RỐI LOẠN NHÂN CÁCH CHỐNG ĐỐI XÃ HỘI

Rối Loạn Nhân cách (RLNC) Chống đối xã hội được đặc trưng bởi một hình thái của việc hành động vì lợi ích hoặc sự thích thú của bản thân và không quan tâm đến hậu quả hay quyền lợi của người khác. Rối loạn này thường phổ biến ở nam giới hơn phụ nữ (6:1), và có yếu tố di truyền cao.

Nguyên nhân

Cả hai yếu tố di truyền và môi trường (ví dụ, bị lạm dụng trong thời thơ ấu) đều góp phần vào sự phát triển RLNC Chống đối xã hội. Một cơ chế có thể liên quan là sự hiếu chiến mang tính xung động, liên quan đến chức năng dẫn truyền serotonin bất thường.

Triệu chứng và Dấu hiệu

+ Biểu hiện sự coi thường người khác và pháp luật bằng cách phá hủy tài sản, quấy rối người khác hoặc ăn cắp. 

+ Những hành vi như bóc lột, lừa đảo hoặc thao túng người khác nhằm mục đích có được điều mình muốn (tiền, quyền lực, tình dục,…).

+ Có sự bốc đồng, không có kế hoạch trước và không xem xét về hậu quả hay sự an toàn của bản thân hoặc người khác, ví dụ như: đột nhiên thay đổi công việc, nhà cửa hoặc các mối quan hệ; tăng tốc bất ngờ khi lái xe trong trạng thái say xỉn; sử dụng quá nhiều rượu hoặc lạm dụng các chất kích thích bất hợp pháp,…

+ Thiếu trách nhiệm về mặt xã hội và tài chính (như không trả nợ, hóa đơn, không trả tiền cấp dưỡng nuôi con,…).

+ Dễ bị khiêu khích và kích động thể chất (như bạo lực, đánh nhau, bạo hành hoặc không thể duy trì mối quan hệ một vợ một chồng).

+ Không có sự hối hận cho những hành động, tìm cách hợp lý hóa cho hành vi của mình bằng cách đổ lỗi cho người khác (cho rằng người khác xứng đáng bị như vậy) hoặc cho cuộc sống (cho rằng cuộc sống vốn không công bằng).

+ Không có sự đồng cảm với người khác, thờ ơ và khinh thường những cảm xúc, quyền lợi và đau khổ của người khác.

Chẩn đoán

Một hình thái lan tỏa về sự coi thường và xâm phạm quyền lợi của người khác, xuất hiện từ độ tuổi 15, xác định bởi sự có mặt của của ≥ 3 những điều sau:

Thất bại trong việc tuân theo trật tự xã hội, không quan tâm đến pháp luật, thể hiện qua những hành vi vi phạm pháp luật có thể bị bắt giữ.

Sự lừa dối, thể hiện bằng việc nói dối nhiều lần, sử dụng những tên giả, hoặc điều khiển người khác để đạt được mục đích hoặc sự thỏa mãn cá nhân.

Hành động bốc đồng hoặc không có sự chuẩn bị hay kế hoạch.

Dễ bị kích động và hung hăng, thể hiện qua việc tái diễn hành vi đánh nhau hoặc tấn công người khác.

Liều lĩnh bất chấp sự an toàn của bản thân và người khác.

Sự vô trách nhiệm dai dẳng, thể hiện qua sự thất bại trong việc duy trì công việc ổn định hoặc tôn trọng những nghĩa vụ tài chính (ví dụ, bỏ việc mà không có kế hoạch, không thanh toán hóa đơn).

Không có cảm giác hối hận, được biểu hiện bởi sự thờ ơ hoặc tự hợp lý hóa các hành vi gây tổn thương, ngược đãi hoặc trộm cắp của người khác.

RLNC Chống đối xã hội chỉ được chẩn đoán cho người ≥ 18 tuổi. Tuy nhiên, những biểu hiện của rối loạn có thể xuất hiện sớm từ trước 15 tuổi.

Nguồn: DSM-V