SỰ KHÁC NHAU GIỮA LO ÂU BÌNH THƯỜNG VÀ RỐI LOẠN LO ÂU BỆNH LÝ? PHƯƠNG PHÁP HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ?

Bạn có thể cảm giác lo âu khi đi phỏng vấn, trước kì thi…., đó là phản ứng rất bình thường, nhưng khi bạn bị lo âu ngay cả khi thực hiện các sinh hoạt bình thường thì đó lại là điều bất thường. Vậy làm thế nào để biết bản thân đang lo âu bình thường và rối loạn lo âu bệnh lý, bạn có thể chú ý các đặc điểm sau:

✴️ Thời gian

✅ Lo âu bình thường chỉ diễn ra trước hay trong sự kiện làm mình lo lắng, sợ hãi. Mặc dù nó có thể làm bạn stress, lo âu, và thậm chí là run, buồn tiểu,đổ mồ hôi tay, đau thượng vị….. Đó là điều hoàn toàn bình thường.

✅ Còn rối loạn lo âu bệnh lý, chúng biểu hiện đặc trưng bởi ngay khi cả sự kiện làm bạn lo lắng đã kết thúc, thì chúng vẫn tiếp tục kéo vài ngày đến vài tuần tiếp sau đó.

✴️ Mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn

✅ Với lo âu bình thường 1 chút lo lắng hoặc bất an có thể thúc đẩy bạn cố gắng, tìm được nhiều cơ hội( Ví dụ, lo lắng về kỳ thi có thể giúp bạn học chăm chỉ hơn nữa và chuẩn bị tốt cho ngày thi)

✅ Rối loạn lo âu thường khiến bạn sợ hãi và ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như công việc, muốn tránh làm các công việc hoặc sinh hoạt, cuộc hẹn do tâm lý lo âu quá mức của mình.

✴️ Tần suất xuất hiện của cảm giác lo âu

Trong các sự kiện quan trọng, thường sẽ khiến bạn lo âu, và đó là hoàn toàn bình thường. Nhưng nếu bạn có cảm giác lo âu mỗi ngày hoặc quá thường xuyên, thậm chí kể cả khi không có bất kỳ sự kiện hay lý do nào, thì đó là rối loạn lo âu bệnh lý.

✴️ Ngoài ra rối loạn lo âu còn một số triệu chứng nhận biết khác như:

    • Khó tập trung do trạng thái kích động hoặc những suy nghĩ dồn dập, lặp đi lặp lại
    • Khó ngủ vì triệu chứng thể chất, và có quá nhiều suy nghĩ trong tâm trí
    • Chóng mặt
    • Miệng khô
    • Rối loạn tiêu hóa (ví dụ: buồn nôn, tiêu chảy hoặc táo bón)
    • Tăng nhịp tim, huyết áp, đổ mồ hôi
    • Căng cứng cơ
    • Hơi thở ngắn và gấp gáp.

Tuỳ thuộc vào bản chất của sự lo âu, những dấu hiệu này có thể khác nhau. Ví dụ, một người mắc chứng rối loạn lo âu toàn thể có thể lo lắng về nhiều thứ khác nhau. Mặt khác, một người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội thường sợ bị người khác đánh giá tiêu cực; sợ bị từ chối; và e ngại khi gặp gỡ những người mới.

Nói một cách đơn giản, những người mắc rối loạn lo âu thường bận tâm, lo lắng quá độ so với những gì có thể xảy ra trên thực tế.

    • Lo lắng về tương lai trong ngắn hoặc dài hạn
    • Có những suy nghĩ không kiểm soát, dồn dập về việc mọi thứ có thể trở nên không ổn ra sao
    • Né tránh các tình huống có thể gây ra lo lắng, để cảm xúc và suy nghĩ không trở nên tiêu cực
    • Nghĩ về cái chết, nhưng vẫn cảm giác sợ hãi cái chết do nhận thức được sự nguy hiểm của các triệu chứng thể chất hoặc dự báo những kết quả tiêu cực.

✴️ Nhiều người cho rằng rối loạn lo âu sẽ tự biến mất nhưng sự thật mặc dù các triệu chứng lo lắng sẽ giảm bớt khi bạn có một lối sống và những thói quen lành mạnh; nhưng triệu chứng của rối loạn lo âu sẽ tái phát vào một thời gian sau, nếu chúng ta không được điều trị một cách bài bản.

Dưới đây là một số điều bạn có thể làm để giúp giảm bớt lo âu ngay tức thì:

    • Tiếp cận với người mà bạn tin tưởng. Đôi khi, trò chuyện vu vơ có thể giúp bạn bình tĩnh và giải tỏa những suy nghĩ lo lắng.
    • Nói không nếu bạn đã có quá nhiều công việc và sự đòi hỏi từ người khác.
    • Đi dạo. Cố gắng lưu tâm đến môi trường xung quanh và hít thở sâu, dài.
    • Ngồi thiền, tập các bài thư giãn, thực hiện một số bài tập yoga, tập thở sâu hoặc thực hiện các hoạt động khác giúp bạn cảm thấy bình tĩnh hoặc tập trung trước đây.
    • Làm điều gì đó giúp bạn thư giãn về thể chất, chẳng hạn như ngâm mình trong bồn nước ấm, chơi nhạc nhẹ nhàng hoặc thưởng thức liệu pháp tinh dầu.
    • Tập thể dục hằng ngày
    • Ăn uống lành mạnh, cân bằng các bữa ăn. Dùng đồ uống có caffeine ở mức độ vừa phải. Caffeine kích thích hệ thống thần kinh của bạn để sản xuất ra adrenaline và làm cho bạn có cảm giác bồn chồn lo sợ và dễ nổi giận.
    • Nhận biết rõ lo lắng của bạn. Chỉ dành 15 phút mỗi ngày cho phép bản thân tập trung vào các vấn đề, nỗi sợ hãi và sau đó ném chúng đi khi hết thời gian. Một số người còn đeo dây cao su trên cổ tay và “bật” dây cao su nếu họ thấy mình đang ở trong “chế độ lo lắng”. Làm bất cứ điều gì bạn có thể để nhắc nhở bản thân ngừng lo lắng.
    • Ngủ đủ giấc
    • Trò chuyện với chuyên gia tâm lý. Điều này có thể giúp bạn tìm được phương pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề gây ra sự lo lắng quá mức. Nếu không được trị liệu, rối loạn lo âu có thể trở nên trầm trọng hơn và làm gián đoạn cuộc sống của bạn.

Các chuyên gia tại Family luôn sẵn sàng và đồng hàng cùng bạn để giải quyết những vấn đề của bạn.

Nguồn bài viết:

[1] Anxiety vs. Depression Symptoms and Treatment, Deborah R. Glasofer

[2] When Depression and Anxiety Occur Together, Sheryl Ankrom

[3] The Most Common Mental Illness: Myths and Facts About Anxiety, UPMC Western Behavioral Health

[4] Does Anxiety Ever Go Away?, Marney A. White

[5] Cách phân biệt rối loạn lo âu bệnh lý và cảm giác lo âu thông thường, Hello Doctor

[6] Lo lắng ảnh hưởng đến sức khoẻ, Trung tâm y khoa Phước An