Rối loạn Cư xử đặc trưng bởi mẫu thức hành vi thường xuyên hoặc dai dẳng vi phạm quyền của người khác hoặc vi phạm các quy tắc xã hội phù hợp với lứa tuổi.
Tỷ lệ mắc Rối loạn Cư xử (CD) là khoảng 10%. Sự khởi phát thường xảy ra trong thời thơ ấu hoặc ở giai đoạn đầu của vị thành niên, và rối loạn này phổ biến hơn ở nam giới nhiều hơn nữ. Thông thường, các hành vi phá hoại sẽ dừng lại trong giai đoạn đầu thời kỳ trưởng thành, nhưng đối với khoảng một phần ba các trường hợp, các hành vi vẫn duy trì. Nhiều trường hợp trong số này đáp ứng tiêu chí Rối loạn Nhân cách chống đối xã hội.
Nguyên nhân Rối loạn Cư xử có thể do sự tương tác phức tạp của các yếu tố di truyền và môi trường. Cha mẹ của trẻ vị thành niên mắc Rối loạn Cư xử thường có hành vi lạm dụng chất và hành vi chống lại xã hội và thường được chẩn đoán mắc chứng ADHD, rối loạn khí sắc, Tâm thần phân liệt hoặc Rối loạn Nhân cách chống lại xã hội. Tuy nhiên, Rối loạn Cư xử vẫn có thể xảy ra ở trẻ em từ các gia đình có quyền chức cao, lành mạnh.
Triệu chứng và dấu hiệu
– Trẻ em hoặc thanh thiếu niên mắc chứng Rối loạn Cư xử thiếu sự nhạy cảm với cảm xúc và hạnh phúc của người khác và đôi khi hiểu lầm hành vi của người khác là sự đe dọa.
– Thường hành động một cách hung hăng, thể hiện qua việc bắt nạt và đe dọa, đánh đập hoặc sử dụng vũ khí, có hành động tàn ác về thể xác, hoặc ép buộc người khác vào hoạt động tình dục, và có ít hoặc không có cảm giác hối hận.
– Đôi khi sự hung hăng và tàn ác của người mắc Rối loạn Cư xử hướng về động vật.
– Phá hủy tài sản, nói dối và trộm cắp.
– Chịu đựng sự thất vọng kém và thường thiếu thận trọng, vi phạm các quy tắc và những điều cấm của phụ huynh (ví dụ như bỏ nhà đi, thường xuyên trốn học).
Một số đặc điểm hành vi sai trái khác nhau giữa các giới tính:
– Nam có xu hướng đánh nhau, ăn cắp, và phá hoại;
– Nữ có thể dối trá, bỏ nhà, và tham gia vào hoạt động mại dâm;
– Cả hai giới đều có khả năng sử dụng và lạm dụng chất kích thích bất hợp pháp và gặp khó khăn ở trường học. Ý tưởng tự sát là phổ biến, và những nỗ lực tự sát cũng có thể được thực hiện nghiêm túc.
Chẩn đoán
Một mẫu thức lặp lại và dai dẳng của hành vi xâm phạm quyền cơ bản của người khác, vi phạm các chuẩn mực và quy tắc xã hội phù hợp với lứa tuổi, được biểu hiện qua ≥ 3 những tiêu chuẩn sau trong vòng 12 tháng, với ít nhất 1 tiêu chuẩn xuất hiện trong vòng 6 tháng qua:
* Hung hăng với người hoặc động vật:
- Thường bắt nạt, đe dọa hoặc hăm dọa người khác;
- Thường khởi xướng các cuộc đánh nhau;
- Từng sử dụng vũ khí có thể gây thương tích nghiêm trọng cho người khác (như, gậy, chai vỡ, dao);
- Từng đối xử tàn nhẫn về thể xác với người khác;
- Từng đối xử tàn nhẫn về thể xác với động vật;
- Từng ăn trộm trong khi đối đầu với nạn nhân (ví dụ, ăn cắp, giật túi, tống tiền, cướp có vũ khí);
- Từng ép người khác tham gia hoạt động tình dục;
* Phá hủy tài sản:
- Từng cố ý tham gia đốt lửa với ý định gây thiệt hại nghiêm trọng;
- Từng cố ý phá hủy tài sản riêng của người khác (loại trừ việc đốt lửa);
* Lừa dối hoặc trộm cắp:
- Từng đột nhập vào nhà, căn hộ hoặc xe của người khác;
- Thường nói dối để có được ưu ái, hoặc để trốn tránh nghĩa vụ;
- Từng trộm đồ có giá trị (ví dụ, trộm cắp trong cửa hàng hay siêu thị, bịa đặt, giả mạo);
* Vi phạm nghiêm trọng các quy tắc:
- Thường đi chơi đêm bất chấp sự ngăn cấm từ phụ huynh, bắt đầu trước tuổi 13;
- Từng trốn nhà qua đêm ít nhất 2 lần trong thời gian sống cùng phụ huynh; hoặc trốn đi 1 lần mà không quay lại trong thời gian dài;
- Thường xuyên trốn học, bắt đầu trước tuổi 13.
Điều trị
Sử dụng thuốc: có thể bao gồm chất ổn định khí sắc hoặc thuốc chống loạn thần không điển hình; việc sử dụng thuốc cần có sự thăm khám và chỉ định từ bác sĩ.
Trị liệu tâm lý: Trị liệu tâm lý cá nhân, bao gồm liệu pháp nhận thức và thay đổi hành vi, có thể giúp cải thiện lòng tự trọng và tự chủ và cuối cùng giúp kiểm soát Rối loạn Cư xử.
Giáo dục nội trú: Thông thường trẻ em và trẻ vị thành niên có hành vi quấy rối nghiêm trọng phải được can thiệp tại các trung tâm giáo dục nội trú, nơi hành vi của trẻ có thể được quản lý phù hợp, từ đó tách chúng ra khỏi môi trường có thể dẫn đến hành vi sai trái.
Nguồn: MSD Manual; DSM – V