KỸ THUẬT XỬ LÝ HÀNH VI CỦA TRẺ TIỂU HỌC

Bé ở lứa tuổi tiểu học đã trải qua giai đoạn hay nổi giận nhưng chưa thực sự dễ bảo. Đó là do các bé ở lứa tuổi này đang muốn thử nghiệm các chỉ dẫn và mong đợi của người lớn. Bé thách thức, có nghĩa là bé đang tìm cách tự đòi quyền lợi. Khi bé trưởng thành và hiểu về thế giới xung quanh nhiều hơn, bé sẽ có quan điểm riêng về các mối quan hệ và các nguyên tắc (hoặc chấp nhận quan điểm của bạn bè).

Do đó, bạn đừng ngạc nhiên khi bé cố gắng tự đòi quyền lợi bằng cách thách thức bạn và những lời chỉ dẫn của bạn. Bé có thể giả vờ không nghe thấy bạn nói hoặc đáp ứng các yêu cầu của bạn rất chậm chạp.

BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?

Thông cảm

Khi mẹ bảo bé đi ăn cơm, bé hét lên “Không!” và cáu kỉnh khi bạn mang bé vào bàn ăn. Bạn hãy cố gắng đặt mình vào “hoàn cảnh” của bé. Nếu bé đang chơi với một người bạn thân, bạn hãy bảo với con rằng “tiếc thật khi con phải bỏ dở cuộc chơi nhưng bây giờ đã đến giờ ăn”. Điều này giúp bé nhận thấy bạn luôn ở bên cạnh bé. Bạn cố gắng đừng nổi giận, mà hãy tỏ ra ân cần nhưng cương quyết mang bé về khi cần thiết.

Đặt ra các giới hạn

Các bé ở lứa tuổi tiểu học cần và muốn có các giới hạn. Nhưng con bạn cần biết các giới hạn đó là gì. Bạn hãy giải thích các nguyên tắc rõ ràng “Con không được gọi điện thoại khi không được phép” hoặc “Con cần phải đi vào ngay khi mẹ gọi con”.

Nếu con bạn thường xuyên không tôn trọng các nguyên tắc thì cần tìm cách giải quyết vấn đề. Đầu tiên, hãy cùng bé tranh luận về nguyên tắc đó. Có lẽ môn toán quá khó nên bé không chịu làm bài tập về nhà. Trong trường hợp này, bạn hãy thử cho bé chơi một trò chơi toán học. Hoặc bé không thích đi vào ngay khi bạn gọi có thể do bé không có đủ thời gian chơi tự do. Khi bé biết rằng bạn giúp bé giải quyết vấn đề, bé sẽ ít thách thức bạn hơn.

Ủng hộ hành vi tốt và khen thưởng kịp thời

Mặc dù cha mẹ thường nổi giận và mắng con khi bé thách thức, nhưng bạn hãy cố gắng kiềm chế. Khi con bạn cư xử tồi, con bạn cũng thấy nó sai. Do đó, bạn đừng làm cho bé cảm thấy tồi tệ hơn. Điều đó có thể khiến bé cư xử tiêu cực thêm.

Thay vì “bắt” các hành động sai, bạn hãy “bắt” các hành động đúng của bé, và khuyến khích khi bé cư xử tốt. Vì theo trường phái hành vi, nếu ” bắt” các hành vi đúng và khen thưởng kịp thời bé sẽ có xu hướng lặp lại nhiều lần những hành vi đúng đó. Vì thế bé sẽ có ít thời gian để làm hành vi sai hơn. Và ngược lại, nếu cha mẹ ” bắt” các hành vi sai nhiều thì các con có xu hướng lặp lại các hành vi sai đó nhiều lần hơn. Cho nên nếu hiểu được cơ chế về hành vi thì thay bằng “bắt” các hành vi sai của trẻ thì hãy tăng cường bắt các hành vi đúng. Và điều quan trọng là phải khen thưởng ngay lập tức và rất cụ thể, bạn khen vì hành vi gì, bạn thưởng vì hành vi gì. Nếu chúng ta chỉ nói một cách chung chung như: con rất giỏi, con rất ngoan… thì trẻ sẽ không hiểu chúng ta đang khen hành vi nào.

Ngoài ra, khi bé vi phạm các nguyên tắc, bạn hãy cho bé biết rằng hành động đó sẽ để lại những hậu quả. Đừng trừng phạt bé mà hãy nói rõ ràng: “Nếu con chơi bóng trong nhà, thì chúng ta sẽ phải để bóng ở ngoài”.

Thời gian tạm lắng

Khi con bạn bắt đầu thách thức vì bé muốn làm theo cách của mình, bạn hãy giúp bé bình tĩnh lại. Ngoài phương pháp đình chỉ chơi như để bé một mình ở một nơi đặc biệt để bé bình tĩnh lại thì bạn có thể khuyến khích bé lui vào một góc phòng ngủ mà bé yêu thích hoặc một nơi tiện nghi trong phòng khách. Tất cả các cách trên đều cần bạn phải bình tĩnh và không thể hiện sự tức giận. Chúng ta nên im lặng, không nên sa vào việc tranh cãi với trẻ. Hãy nói một cách rất bình tĩnh và nhẹ nhàng: ” Con đã làm ( cụ thể việc trẻ đã làm sai), giờ con không được chơi nữa mà phải đứng vào đây”

Cho con được lựa chọn

Cố gắng tạo cơ hội để con bạn tự hào với khả năng độc lập của mình. Để bé tự lựa chọn quần áo, miễn là sạch và không rách hoặc để bé chọn một trong hai loại rau. Khi bạn để bé lựa chọn, tức là bạn đã tôn trọng bé và các nhu cầu của bé.

Còn có một cách khác để giúp con bạn cảm thấy tự do hơn là nói những việc bé có thể làm thay vì những việc bé không thể làm. Ví dụ, thay vì nói “Không! Con không được đá bóng trong nhà”, bạn hãy nói “Con có thể đá bóng ngoài sân”.

Bé đã đủ lớn để hiểu lời giải thích của bạn, nên bạn cũng phải nói rõ lý do vì sao không đá bóng trong nhà.

Tôn trọng lứa tuổi và giai đoạn phát triển của con bạn

Khi bạn yêu cầu con bạn dọn giường và nhà tắm, bạn phải chắc chắn là bé biết làm công việc đó. Cố gắng dành thời gian hướng dẫn bé làm các nhiệm vụ mới, và làm cùng với bé cho đến khi bé thành thạo. Đôi khi, bé thách thức bạn chỉ vì công việc đó quá khó.

Tôn trọng thế giới riêng tư của con

Khi bé đang chơi vui, thay vì bắt bé dừng lại ngay để làm một việc gì đó, bạn hãy cho bé một vài phút để bé chuyển hướng, chẳng hạn, “5 phút nữa chúng ta sẽ ăn cơm, do đó con hãy nhanh chóng kết thúc trò chơi và đi dọn bàn ăn”. Có thể bé sẽ không vui vẻ, thậm chí còn càu nhàu nữa nhưng miễn là bạn kiên nhẫn và nhất quán, trẻ sẽ hiểu rằng bé sẽ không có những thứ mà nó muốn nếu thách thức bạn.