DẤU HIỆU VÀ PHÒNG NGỪA TRẦM CẢM SAU SINH

Mấy ngày gần đây, người dân vẫn còn bàng hoàng với vụ án mẹ giết con 4 tháng tuổi. Người mẹ có nhiều dấu hiệu của trầm cảm sau sinh. Trầm cảm sau sinh là gì, dấu hiệu và cách phòng ngừa như thế nào, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin

A. Khái niệm trầm cảm sau sinh

Trầm cảm sau sinh là tình trạng liên quan đến suy nghĩ và cảm giác mệt mỏi, buồn chán, lo lắng xuất hiện sau sinh. Những  phụ nữ mắc bệnh trầm cảm sau sinh thường kèm theo trạng thái lo sợ con mình sẽ bị hại và bản thân mình là người mẹ xấu.

Nhẹ: Chồng và con không được chăm sóc tốt. Gia đình không được vui vẻ.

Nặng: Người bị trầm cảm sau sinh có ý nghĩ hay hành vi tự tử (41.2%).  Một số người rối loạn tâm thần, luôn có cảm giác bị hại nên tìm cách trả thù hay đối phó. Có những bà mẹ nghĩ con mình bị ma quỉ nhập nên tìm cách trừ tà, như vậy rất nguy hiểm đến tính mạng của bé.

B. Dấu hiệu của trầm cảm sau sinh

Cảm xúc

  • Khí sắc trầm kéo dài
  • Không xứng đáng, thất bại, bất lực, tuyệt vọng
  • Kiệt sức, trống rỗng, buồn rầu, chực khóc
  • Tội lỗi, hối hận, vô giá trị
  • Lẫn lộn, lo âu, hoảng sợ
  • Sợ đứa trẻ, sợ mất trẻ
  • Sợ ở một mình, sợ đi ra ngoài

Hành vi

  • Mất quan tâm thích thú trong các hoạt động thường ngày
  • Mất ngủ hoặc ngủ quá nhiều, ác mộng
  • Chán ăn hoặc ăn quá nhiều
  • Giảm sinh lực và động cơ
  • Ngại giao tiếp xã hội
  • Ít chăm sóc bản thân
  • Không có khả năng xử lý các công việc thường ngày

Suy nghĩ

  • Suy nghĩ kém minh mẫn, không thể quyết định việc gì
  • Kém tập trung chú ý, giảm trí nhớ
  • Trốn tránh mọi thứ
  • Sợ bị chồng bỏ rơi
  • Lo lắng về sự tổn hại hoặc cái chết của chồng, con
  • Có ý nghĩ về tự sát 

* Nguyên nhân

  • Thay đổi về nội tiết: Sau khi sinh, việc giảm đột ngột estrogen và progestrogen góp phần gây nên. Hormones tuyến giáp giảm nhanh chóng gây ra cảm giác mệt mỏi và trầm cảm.
  • Thay đổi về thể tích máu, huyết áp, hệ miễn dịch và chuyển hóa dẫn đến tình trạng mệt mỏi và dễ thay đổi cảm xúc.
  • Mâu thuẫn gia đình, vấn đề tài chính, thiếu sự giúp đỡ của người thân.
  • Khó khăn trong chăm sóc  bé. Nhiều bà mẹ cảm thấy căng thẳng, mất ngủ, lo lắng về khả năng chăm sóc bé. Từ đó cảm thấy mất hứng thú sống và mất kiểm soát cuộc sống bản thân.
  • Yếu tố di truyền: trong gia đình có người bị trầm cảm (mẹ, chị, cha) thì nguy cơ bệnh cao.
  • Những đối tượng dễ mắc bệnh trầm cảm sau sinh: Tiền sử bị bệnh trầm cảm sau sinh, nguy cơ lập lại 50%. Tiền sử trầm cảm ngoài thai kỳ, nguy cơ trầm cảm sau sinh 25%. Ngưng dùng thuốc chống trầm cảm lúc mang thai, 68% rơi vào trạng thái trầm cảm, nếu tiếp tục dùng thuốc thì 25% bị trầm cảm.Tuổi < 18. Những sự kiện gây căng thẳng trong thời gian trước: bệnh tật, hiếm muộn, thất nghiệp.
  • Thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm chia xẻ của người thân, đặc biệt là người chồng. Mâu thuẫn vợ chồng, mâu thuẫn người con so, tuy nhiên vẫn có thể xảy ra ở con rạ.

* Phòng ngừa

  • Gia đình tạo môi trường vui vẻ, thân thiện, tránh mâu thuẫn stress đối với bà mẹ sau sinh
  • Mọi người trong gia đình giúp đỡ, chia sẻ công việc cũng như tinh thần đối với bà mẹ sau sinh
  • Bà mẹ sau sinh và các thành viên trong gia đình khi thấy có một số biểu hiện trên thì cần đến các trung tâm tâm lý hoặc bệnh viện tâm thần để khám và điều trị kịp thời
  • Người chồng là người quan trọng đặc biệt trong việc chia sẻ trách nhiệm, an ủi, vỗ về và động viên tinh thần vợ

C. Điều trị

Hỗ trợ từ người thân

Gia đình nên hiểu rằng bệnh đang ở giai đoạn tạm thời và sự giúp đỡ của họ có thể giúp cho người mẹ phục hồi nhanh chóng.

Điều trị bằng thuốc

Điều trị tâm lý

  • Thư giãn
  • Trị liệu nhận thức
  • Trị liệu hành vi
  • Trị liệu gia đình