PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI TÌNH DỤC TRẺ EM QUA MÔI TRƯỜNG MẠNG
Chúng ta phải trang bị kiến thức và kỹ năng như thế nào để trẻ có thể trở thành một công dân số hay phải đồng hành cùng trẻ trong việc sử dụng internet như thế nào để tránh khỏi những rủi ro trên môi trường mạng….?
Nếu bạn muốn tìm câu trả lời cho những câu hỏi trên thì hãy đọc qua bài viết dưới đây được trích từ tài liệu mà Th.S Nguyễn Thị Hồng Nhung cung cấp ở bài phỏng vấn trong chương trình kiến thức đời sống với chủ để “ Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng trong mùa dịch Covid”
![]() |
Th.S Nguyễn Thị Hồng Nhung phỏng vấn trong chương trình kiến thức đời sống với chủ đề “Phòng ngừa xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng trong mùa dịch Covid”
Xâm hại tình dục qua mạng là gì?
+ Gửi và xem/bắt xem những hình ảnh/nội dung về tình dục (qua mạng xã hội: facebook/zalo hoặc qua các game online…..)
+ Nhắn tin, nói chuyện trên mạng về những nội dung tình dục;
+ Có hành vi tình dục, trình diễn khiêu dâm hoặc bắt người khác trình diễn khiêu dâm qua webcam hoặc smartphone.
- Từ những hành động tương tác trực tuyến dẫn tới việc gặp gỡ/ tham gia quan hệ tình dục ngoài đời thực.
- Hầu hết các trường hợp xâm hại bắt nguồn trên môi trường mạng từ hình thức xâm hại phi đụng chạm dần dần đến xâm hại đụng chạm.
Thủ đoạn của kẻ xâm hại như thế nào?
![]() |
Trẻ em cần phải trang bị/năm được những kỹ năng gì khi sử dụng mạng xã hội?
Những điều nên làm:
+ Có tiêu chí cụ thể khi kết bạn online.
+ Cơ thể là của bạn. Hãy nói “Không” khi không muốn điều gì đó.
+ Sử dụng các công cụ báo cáo, chặn khi gặp những nội dung hoặc người kết bạn không phù hợp.
+ Ngừng nhắn tin, chặn và báo lại cho cha mẹ, thầy cô,..khi gặp các loại tin nhắn khiêu khích tình dục.
Những điều không nên làm:
+ Cung cấp tên, thông tin riêng tư, gửi ảnh hay cho người khác nhìn thấy mình qua webcam.
+ Gặp gỡ bạn bè trên “mạng” một mình mà không hỏi ý kiến người thân.
+ Đăng tải những hình ảnh tự sướng
+ Khiêu gợi, hay đặt những nickname không phù hợp vì đó là kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng.
Vậy cha mẹ cần phải làm gì để cùng đồng hành cùng con an toàn khi sử dụng internet?
Trẻ em cần được lớn lên với sự hỗ trợ, đồng hành và bảo vệ của cha mẹ và những người thân thiết. Cha mẹ đã chăm sóc bảo vệ trẻ em ngay từ khi còn trong bụng mẹ, đến khi chào đời và lớn lên tới 18 tuổi. Bên cạnh đố, việc chăm sóc, bảo vệ con hàng ngày hiện nay cần có thêm công việc đồng hành cùng con để sử dụng Internet an toàn.
Làm Cha mẹ trong thời đại công nghệ số - Internet, cha mẹ cần:
+ Sẵn sàng tìm hiểu thêm về cả lợi ích và rủi ro trên internet, cách sử dụng internet thông minh và an toàn;
+ Sẵn sàng lắng nghe và học từ trẻ;
+ Tôn trọng và cùng trẻ đưa ra các giải pháp để phòng tránh rủi ro trên môi trường mạng hiệu quả
Vậy có những rủi ro nào khi trẻ hoạt động trên môi trường? Cha mẹ nên xử lý như thế nào?
Chúng tôi sẽ đưa ra một số rủi ro thường gặp trên môi trường mạng và gợi ý những cách xử lý cho cha mẹ
- Rủi ro mất thông tin cá nhân
Tài khoản của trẻ cũng như của cha mẹ có thể bị mất thông tin do:
+ Bị mất hoặc bị ăn cắp thiết bị
+ Bị hack hoặc nhiễm phần mềm độc hại
+ Rò rỉ thông tin ngoài ý muốn
+ Do bạn bè/người thân sơ ý
+ Tự cung cấp thông tin cho người khác
Chính vì thế, cha mẹ cần trao đổi với trẻ các kiến thức căn bản về:
Cài đặt mật khẩu mạnh: Cha mẹ hỗ trợ, hướng dẫn các con cách:
+ Sử dụng mật khẩu khó đoán, có ít nhất 6 ký tự, kết hợp số, chữ, và ký tự đặc biệt.
+ Sử dụng mật khẩu khác nhau cho tài khoản khác nhau
+ Không chia sẻ mật khẩu với người khác
Cảnh báo đăng nhập & bảo vệ 2 lớp: Cha mẹ trao đổi và hướng dẫn con về:
+ Cảnh báo đăng nhập: Một số ứng dụng email hoặc mạng xã hội có chức năng cảnh báo khi có ai đó khác đăng nhập vào tài khoản của trẻ. Cảnh báo này sẽ cho trẻ biết thiết bị nào đang cố gắng đăng nhập vào tài khoản của trẻ cũng như vị trí đăng nhập
+ Tính năng xác thực 2 lớp: Trẻ sẽ được yêu cầu điền một mã xác thực mỗi khi bạn đăng nhập vào tài khoản email hoặc mạng xã hội hoặc máy tính mới. Nếu người lạ cố gắng xâm nhập vào tài khoản của trẻ, họ sẽ không thể đăng nhập được vì không có mã khóa này
Đăng nhập an toàn
Đăng nhập là khi trẻ dễ sơ ý để lộ thông tin nhất, do đó cha mẹ hướng dẫn cho con biết rằng:
+ Không sử dụng tài khoản Facebook hay Google,... để đăng nhập vào nền tảng khác
+ Hạn chế chọn ´lưu mật khẩu´ khi đăng nhập
+ Hạn chế sử dụng thiết bị công cộng, hoặc lưu ý đăng xuất khi trẻ dùng thiết bị công cộng để truy cập tài khoản
Cài đặt riêng tư: Cha mẹ sẽ giúp trẻ:
+ Đối với trang tin điện tử (website): Chặn một số trang tin điện tử hoặc nội dung không muốn xem hoặc không phù hợp với trẻ
+ Mạng xã hội: chế độ cài đặt riêng tư cho phép các tính năng khác nhau (dòng thời gian, gắn thẻ, địa điểm, chế độ người xem)
Kết nối chọn lọc: Hướng dẫn trẻ:
+ Cân nhắc trước khi kết bạn “Chất lượng hơn số lượng”.
+ Đặt ra một số tiêu chuẩn kết bạn như “Có nhiều bạn chung”, “học cùng trường”,... và nên kiểm tra danh tính, hồ sơ người muốn kết nối với trẻ hoặc trẻ muốn kết nối.
- Rủi ro lừa đảo trên mạng
Trẻ em có thể trở thành nạn nhân của lừa đảo trên mạng như:
+ Bị mất thông tin cá nhân;
+ Mua hàng giả;
+ Bị lừa đảo tình cảm;
+ Nhận những thông tin không đúng (fake news);
+ Tham gia hoạt động không phù hợp/ phạm pháp.
Để phòng tránh lừa đảo trên mạng, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ:
+ Luôn nhớ rằng thông tin cá nhân của mỗi chúng ta là rất quan trọng và không thể cho đi dễ dàng
+ Luôn kiểm tra website cũng như thông tin, uy tín của nhà cung cấp trước khi thực hiện các giao dịch trực tuyến
+ Không vội vàng tin vào những lời nhờ vả hoặc đe dọa trên mạng xã hội
+ Chia sẻ với người thân, bạn bè, hoặc thầy cô để được tư vấn giúp đỡ. Gọi công an hoặc tổng đài 111 để được tư vấn, hỗ trợ khi cần thiết
- Rủi ro nghiện trò chơi điện tử
Chơi trò chơi điện tử trực tuyến không phải là xấu nếu người chơi biết lựa chọn những trò chơi phù hợp, và chơi có chừng mực.
Trò chơi điện tử có các tác hại như sau:
+ Thường chứa virus, quảng cáo hoặc những thông tin xấu (ví dụ như hình ảnh khiêu dâm, bạo lực, đường link web đen, v.v.) có thể vô tình được tải về máy tính của trẻ;
+ Bị xâm phạm quyền riêng tư, bắt nạt, xâm hại, kẻ xấu tìm cách tiếp cận;
+ Gây xích mích, bạo lực.
Chính vì thế, cha mẹ cần:
+ Thứ nhất là hỗ trợ trong việc lựa chọn, tư vấn lựa chọn trò chơi phù hợp cho con
w Lựa chọn những trò chơi phù hợp với lứa tuổi, văn hóa, và có tính chất giáo dục
w Không chơi game có chứa yếu tố bạo lực, đánh bạc, khiêu dâm hoặc sai lệch về đạo đức
w Sắp xếp thời gian phù hợp khi chơi game (không quá 6h/tuần) để không ảnh hưởng tới những hoạt động khác trong cuộc sống
+ Thứ hai là cha mẹ hướng dẫn cũng như cùng con thực hiện cam kết khi chơi game cần:
w Xác định các trò chơi phù hợp với bản thân, nên thể hỏi ý kiến người lớn;
w Không chia sẻ thông tin cá nhân, tài khoản với người chơi khác;
w Cảnh báo, báo cáo nhà cung cấp dịch vụ khi gặp các thông tin, quảng cáo có nội dung không phù hợp;
w Không đồng ý gặp mặt các game thủ khác ngoài đời thật.
+ Game đúng – Game Đủ - Game tích cực
- Rủi ro tiếp cận/chia sẻ thông tin sai lệch
Mạng xã hội có tính ẩn danh, và thông tin nên các thông tin rất khó phân biệt là thật hay giả. Thông tin sai lệch bị chia sẻ rất nhiều và rất khó kiểm soát trên mạng xã hội. Đừng vội tin tất cả các thông tin trên internet.
Cha mẹ cần hướng dẫn trẻ em:
+ Biết xác thực thông tin được chia sẻ: Cần tư duy xem những tin tức được chia sẻ có thực sự đáng tin cậy hay không
+ Không vội tin tưởng các thông tin khi chưa xác thực
+ Kiểm tra xem ai là tác giả của tin được chia sẻ, đường dẫn của thông tin có chính xác hay chỉ là đường dẫn ảo;
+ Kiểm tra những nguồn thông tin khác nhau, nếu có nhiều người chia sẻ khác nhau, thậm chí đối lập về cùng một sự việc, thì rất có khả năng sự việc đó không chính xác;
+ Một số tin giả sử dụng hình ảnh thật để lừa người đọc. Trẻ em và cha mẹ nên kiểm tra nguồn gốc của hình ảnh đó để có thể đánh giá mức độ tin cậy của thông tin;
+ Cân nhắc khi chia sẻ các thông tin xem thông tin đó có chính xác không, có ảnh hưởng như thế nào nếu đó là thông tin không chính xác.
- Rủi ro khi xem các chương trình, ấn phẩm không phù hợp
Là khi trẻ em vô tình hoặc cố ý xem trên mạng:
+ Hình ảnh có tính chất khiêu dâm
+ Nội dung/lời nhận xét có tính chửi bới, lăng mạ;
+ Tội phạm, khủng bố, phân biệt chủng tộc, rối loạn ăn uống (nhịn ăn, hoặc ăn quá nhiều), tự tử, chính trị….;
+ Hình ảnh, video, trò chơi bạo lực;
+ Đánh bạc/cá cược;
+ Chatroom không được kiểm soát, mọi người có thể có những trao đổi không phù hợp.
Cha mẹ có thể trò chuyện với trẻ về những rủi ro này và hướng dẫn trẻ cách xử lý khi trẻ gặp những trường hợp này, cụ thể khi gặp các thông tin không phù hợp trên internet, trẻ em cần:
+ Chặn những người chia sẻ hoặc những trang có nội dung không phù hợp;
+ Nhanh chóng đóng trang lại;
+ Nói với bố mẹ, thầy cô hoặc một người lớn các em tin tưởng về chuyện đã xảy ra, cảm giác của các em và cùng tìm giải pháp;
+ Báo cáo những nội dung không phù hợp với những nhà cung cấp dịch vụ như Facebook, Youtube sử dụng nút “cảnh báo/flags”, “báo cáo/report” ngay bên cạnh nội dung. Những nội dung khác muốn báo cáo: https://www.internetmatters.org/report-issue/
- Rủi ro khi kết bạn xấu
Trong khi tính kết nối của môi trường mạng giúp trẻ em tìm kiếm và kết nối với bạn bè dễ dàng hơn, thì tính ẩn danh lại khiến cho việc xác nhận một ai đó chính là con người thật của họ ở ngoài đời là rất khó khăn. Vì vậy, nếu kết bạn tràn làn, trẻ có rủi ro kết nối với bạn xấu.
Cha mẹ hãy cho trẻ biết, trước khi kết bạn trên mạng, trẻ cần:
+ Kiểm tra xem đó có phải là người chúng ta đã gặp chưa?; Kiểm tra hình ảnh có phải là hình ảnh thực không?; Kiểm tra danh sách bạn chung;
+ Kiểm tra địa điểm, nơi ở của người ta kết bạn; Kiểm tra các hoạt động, chia sẻ trên trang của người đó
+ Xác định được các rủi ro khi có mối quan hệ bạn bè/ lãng mạn “ảo” trên mạng
+ “Ghi nhớ” các nguyên tắc để bảo vệ các thông tin cá nhân
Ngoài ra, cha mẹ có thể hướng dẫn cho trẻ các biện pháp ”xử lý” khi gặp các tình huống có nguy cơ khi trò chuyện với bạn bè trên mạng:
+ Chuyển chủ đề
+ Từ chối
+ Thoát khỏi, chặn
+ Nói với người than, cha mẹ ngay khi cần
- Bắt nạt trên mạng
Là hành vi cố tình xúc phạm, đe dọa, làm hại, quấy rối, tấn công hay loại trừ một người khác, bằng việc sử dụng phương tiện truyền thông kỹ thuật số. Bắt nạt qua mạng có thể diễn ra trên internet (các mạng xã hội, các phòng trò chuyện, các thư điện tử) hoặc trên điện thoại di động, thông qua dịch vụ tin nhắn ngắn (SMS) và các ứng dụng tin nhắn tức thời, các cuộc gọi quấy rối, các video và hình ảnh từ điện thoại di động. Trẻ bị bắt nạt qua mạng thường cũng bị bắt nạt “ngoài thực tế”.
Cha mẹ hãy khuyên con cái, nếu con thấy tình trạng bắt nạt trên mạng, hãy:
+ Để riêng tư: Cài đặt quyền riêng tư trên mạng xã hội để không phải ai cũng có được thông tin của con;
+ Lờ đi (Ignore);
+ Chặn: Chặn /báo cáo tài khoản của người bắt nạt mình trên mạng nếu tình trạng đó tiếp tục diễn ra;
+ Lấy bằng chứng;
+ Trao đổi với người lớn hoặc gọi điện cho tổng đài 111.
Con nên nhớ:
+ Tự bảo vệ quyền riêng tư của mình và tôn trọng riêng tư của người khác
+ Không đưa thông tin của mình cho người khác
+ Không tham gia, tiếp tay cho bắt nạt trên mạng
- Xâm hại tình dục trên mạng
Xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng bao gồm sản xuất, phân phối, tải về và xem những tài liệu xâm hại trẻ em; mồi chài trẻ em và thanh thiếu niên trên mạng để sản xuất các tài liệu xâm hại trẻ em do trẻ em tự tạo ra để lôi kéo trẻ vào các cuộc trò chuyện tình dục hoặc những hoạt động tình dục khác trên mạng, hoặc để bố trí một cuộc gặp ngoài thực tế nhằm quan hệ tình dục với trẻ, còn được gọi là dụ dỗ qua mạng.
Cha mẹ nên thảo luận với con về các quy tắc để bảo vệ bản thân khỏi bị xâm hại tình dục trên môi trường mạng:
+ Có những tiêu chí cụ thể khi kết bạn (tham khảo: Bạn bè và mối quan hệ trên mạng);
+ Mỗi người đều có quyền kiểm soát cơ thể mình và trẻ em hoàn toàn có thể nói “Không” khi không muốn điều đó.
+ Trẻ em không có trách nhiệm cung cấp tên, gửi ảnh hay cho người khác nhìn thấy mình qua webcam;
+ Không nên gặp bạn bè trên “mạng” một mình mà không hỏi ý kiến người thân
+ Không nên đăng tải thông tin riêng tư, cá nhân hay những hình ảnh tự sướng có tính chất hở hang, cũng như đặt những nickname không phù hợp vì đó là kẽ hở để kẻ xấu lợi dụng
+ Sử dụng các công cụ báo cáo, chặn khi thấy có những nội dung hoặc người kết bạn không phù hợp;
+ Khi nhắn tin và gặp các tin nhắn khiêu khích tình dục, trẻ em cần ngừng nhắn tin, chặn và báo lại cha mẹ, thầy cô;
+ Bạn không bao giờ là người phải xấu hổ hay có lỗi khi có một ai có ý định hoặc đã xâm hại tình dục, trẻ em cần báo ngay với người lớn để được hỗ trợ;
+ Hãy nhớ, trong quá trình trở thành một công dân số, và đặc biệt là khi gặp bất cứ vấn đề gì liên quan tới xâm hại tình dục trên mạng, các em hãy tìm tới các địa chỉ sau đây:
w Cha mẹ, thầy cô, người thân và bạn bè
w Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111
w Cảnh sát – đường dây nóng 113
w Các trung tâm công tác xã hội tỉnh/thành phố
Nguồn tham khảo bài viết:
Tài liệu được trích từ dự án “đồng hành cùng trẻ sử dụng internet an toàn” và cẩm nang cha mẹ thời đại công nghệ số - đồng hành cùng con sử dụng internet an toàn của tổ chức Word Vision- Tầm nhìn thế giới tại Việt Nam